Trở về thời bình, vị tướng anh hùng ấy lại tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ trên “mặt trận” khoa học... Bên cạnh những công trình nghiên cứu, ông còn là một nhà quản lý quân sự tài ba, hội tụ đủ Tâm - Tầm – Tài; là người đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga bầu là Viện sỹ khoa học quân sự về nghệ thuật chiến tranh. Hiện nay dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, hàng ngày ông vẫn đến văn phòng làm việc, bởi ông vốn là một vị “Tướng trận”, quen xông xáo, là nhà khoa học đam mê công việc, ông chưa muốn nghỉ ngơi.
Những dấu mốc trong cuộc đời binh nghiệp
Tôi may mắn được gặp ông tại phòng làm việc nằm trên phố Trấn Vũ, trong một không gian tĩnh lặng và bình yên hiếm có giữa thủ đô. Căn phòng nhỏ nhưng rất nhiều sách và những bức ảnh kỷ niệm. Dường như ông trẻ hơn so với tuổi 74, nước da trắng hồng, khuôn mặt phúc hậu, gương mặt lúc nào cũng ánh lên cái nhìn sắc sảo của đôi mắt còn rất trẻ. Mở chiếc ipad, ông gạt ngón tay nhoay nhoáy để mở cho tôi nghe ca khúc Tượng đài hoài niệm và Hoài niệm bến sông xưa mà ông là nhân vật trung tâm trong đó.
Vinh dự được phong AHLL VTND khi 26 tuổi
Vốn xuất thân từ dòng dõi Nguyễn Bặc, nên từ nhỏ cậu bé Nguyễn Văn Hiệu đã sớm bộc lộ tài chỉ huy của mình khi “điều binh, khiển tướng” những bạn bè đồng trang lứa trong các lần chơi trò đánh trận giả. Yêu thích và học giỏi nhất môn lịch sử, nên những trận đánh, những chiến công vang dội của ông cha ta đã được cậu bé Hiệu thấm nhuần vào máu và nuôi dưỡng ước mơ có ngày trở thành người chỉ huy để có thể cầm quân, đánh giặc như các bậc tiền nhân thửa trước.
Năm 1964, khi vừa tròn 17 tuổi, trong khi anh, em, bạn bè cùng quê đều xin nhập ngũ vào hải quân thì chàng trai Nguyễn Văn Hiệu lại viết đơn tình nguyện nhập ngũ và mong muốn trở thành lính lục quân để có cơ hội được trực tiếp giáp mặt, chiến đấu với kẻ thù trên chiến trường. Đến tháng 2/1965, ông được đưa về huấn luyện tân binh ở tiểu đoàn 2 Trung đoàn 812, sư 324 ở Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An. Sau đó được đưa về chiến đấu ở Bình Trị Thiên, rồi sang Lào. Tiếp đó ông về Sư đoàn 341 quân khu 4 và Trung đoàn 27 mặt trận B5.
Từ vị trí anh lính binh nhì ông đã được cất nhắc lên nhiều cương vị: Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng và Trung đoàn trưởng, đã lãnh đạo được những đội quân tinh nhuệ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã chỉ huy Trung đoàn 27 (Triệu Hải) nằm trong đội hình 1 trong 5 mũi tấn công phía Bắc đánh vào giải phóng Sài Gòn.
Năm 1973 khi mới 26 tuổi, ông được tuyên dương là Anh hùng LLVTND. Từ năm 1975 - 1980, ông được cử đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn, sau đó được cử về học ở Học viện caobcấp (nay là Học viện Quốc phòng). Năm1980 khi bước sang tuổi 34, ông được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B và nhận quân hàm Đại tá (nay là sư đoàn 390 Quân đoàn I). Tới năm 1983 ông được cử đi học tại Học viện quân sự Frunze của Liên Xô (cũ). Trở về nước, ông tiếp tục công tác và được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1, sau đó là Tư lệnh Quân đoàn 1, làm nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Đặc biệt đến năm 1988, khi ở tuổi 40, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và là vị tướng trẻ nhất trong Quân đội lúc bấy giờ. Cho tới năm 1994 Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục được bổ nhiệm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1998, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1998 - 2011) và có ba nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng. Trên cương vị đầy vinh quang và trọng trách này, vị tướng đã tham mưu cho quân đội, Đảng và Nhà nước những quyết sách quan trọng trong việc xây dựng quân đội ngày một chính quy, vững mạnh, đồng thời tạo lập mối quan hệ tốt, hoà bình, cùng phát triển với các nước láng giềng, trong khu vực nhưng cũng là để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Vị tướng của những trận đánh không thể nào quên
Trong cuộc đời binh nghiệp hơn 50 năm của mình, ông có rất nhiều ký ức chiến trường, trong đó nổi bật nhất là 4 chiến dịch lớn mà ông trực tiếp tham gia. Đôi mắt ông vụt sáng lên kể lại những trận đánh ác liệt nhưng chiến thắng vẻ vang. Trận đánh phải kể đến đầu tiên là trận đánh ở Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị). Chỉ sau 45 phút, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã tiêu diệt gọn đại đội cơ giới của Mỹ. Ở trận đánh này, ông đã chỉ huy đưa lực lượng của ta luồn sâu vào cụm cơ giới của địch, đánh địch từ bên trong đánh ra. Sau trận đánh này từ đại đội trưởng, ông được bổ nhiệm chức Tiểu đoàn trưởng. Chiến thắng này cũng góp phần vào việc đánh bại chiến thuật trâu rừng của tướng Mỹ Abraham.
Trận đánh thứ hai là trận đánh táo bạo giữa ban ngày, tiêu diệt 28 xe cơ giới của địch ở Đường 9 Nam Lào, gần căn cứ Sa Mưu, cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Đông Hà lên Khe Sanh và bản Đông. Trận đánh thứ ba là trận đánh mở màn cho chiến dịch 1972 ở cao điểm 322, 288 Đông Nam cứ điểm 544 (Địch gọi là Fulơ). Ông chỉ huy đưa một tiểu đoàn luồn sâu vào căn cứ phía sau của địch, chỉ sau 35 phút quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch, làm chủ chiến trường và bắt sống Tiểu đoàn trưởng của địch là Hà Thúc Mẫn. Sau đó ta chỉ huy đánh vào cánh Đông giải phóng Triệu Phong và Hải Lăng góp phần vào giải phóng hoàn toàn Quảng Trị.
Trận đánh đáng nhớ nhất là trận thứ tư - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi đó ông đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1.
Theo lời kể của ông: Vào tháng 4-1975, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (Triệu Hải) nằm trong đội hình 1 trong 5 mũi tấn công phía Bắc đánh vào Sài Gòn. Trung đoàn Triệu Hải đã chọc thủng tuyến phòng ngự ở huyện lỵ Lái Thiêu, đây là tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch ở hướng xa lộ Đại Hàn, Quốc lộ 13 từ Sông Bé vào Sài Gòn; chiếm cầu Vĩnh Bình. Tiếp đó đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy ở Gò Vấp và nhiều cứ điểm quan trọng khác góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào trưa ngày 30-4-1975.
Trên đường hành quân ở đường Trường Sơn, từng đoàn người và xe nối thành hàng dài trùng trùng điệp điệp, những bước chân rầm rập không nghỉ. Đường đất đỏ bazan, những ngày nắng ấy gió thổi mạnh cuốn từng lớp bụi đỏ lên không trung, rồi rơi tràn xuống như tuyết đỏ phủ ngập không gian, cả một vùng chìm trong sắc đỏ. Còn những ngày mưa, bùn lầy ngập tới nửa bánh xe. Bởi vậy, từ những chiếc xe ô tô tới mỗi người lính đều phủ kín bụi đất đỏ bazan, chỉ hở duy nhất đôi mắt rực sáng. Gian nan, vất vả, thời gian gấp rút là như thế, nhưng khi cả Trung đoàn nhận được mật lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng phút tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Tất cả dường như không có cảm giác mệt, hành quân không ngừng nghỉ tiến vào Đồng Xoài đúng thời gian.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại: “Tối 29-4, chúng tôi cùng với tổ trinh sát về tới ấp Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10km thì nhìn thấy bên kia khu nghĩa địa là ngôi làng, trong làng có một ngôi nhà lợp lá, bên trong hãy còn le lói ánh đèn. Chúng tôi quyết định đi qua nghĩa địa vào làng. Tại đây, tôi đã được gặp má Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu)- bà má miền Nam vốn là cơ sở cách mạng ở địa phương trao cho tấm bản đồ chỉ đường để giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, tránh được thương vong tổn thất lớn trên trục đường. Đêm hôm đó, má Sáu đã tham mưu cho Trung đoàn rất nhiều điều quan trọng trong trận đánh. Gia đình má Sáu là gia đình cách mạng, chồng má là ông Hai Nhượng đã hy sinh năm 1968, sự việc đau lòng đó má giấu kín trong lòng để tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Má là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn. Tấm bản đồ này má ghi lại tất cả những điểm quan trọng trong thành cũng như trên trục đường từ Lái Thiêu về Sài Gòn để chờ trao cho quân giải phóng. Mục đích chính là giúp quân giải phóng tránh được những chỗ địch cài mìn, bố trí tuyến phòng thủ, chốt chặn... Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, hôm sau chúng tôi dùng loa kêu gọi 2.000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Đồng thời, tấn công qua Lái Thiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng và vượt cầu Vĩnh Bình tiến thẳng vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp và Tổng y viện cộng hòa. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4”.
“Trưa hôm đó, chúng tôi nhận được thông tin, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền của tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Niềm vui, hạnh phúc được tích tụ, kìm nén bấy lâu như được vỡ òa. Phút chốc rừng cờ hoa và dòng người hân hoan đổ xô ra đường. Trong giờ phút lịch sử ấy, một cảm xúc khó diễn tả ngập tràn trong tôi. Tôi nhớ đến Đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc vừa mới hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn; nhớ má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu, biểu tượng của các bà má Nam Bộ sẵn sàng hy sinh để góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng...” - Ông trải lòng!
Vậy là cuối cùng, sau bao hy sinh, mất mát, gian khó, Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội đã thực hiện được lời di chúc của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giành độc lập tự do cho dân tộc, non sông gấm vóc Việt Nam từ đây thu về một mối.
.jpg)
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu
Đến một nhà khoa học thời bình
Bộn bề với những công việc mang tầm chiến lược của đất nước, song Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn dành thời gian nghiên cứu khoa học công nghệ để nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Là người đã từng tham gia công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã dày công nghiên cứu những mối quan hệ với các quốc gia láng giềng và quan hệ thế giới. Trong hơn 10 năm làm công tác đối ngoại quốc phòng, ông đã đến thăm và làm việc tại 67 quốc gia trên thế giới. Ông đã vận dụng nhuần nhuyễn những nguyên lý, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại quốc phòng, đặc biệt là trong việc giải quyết các tranh chấp và bảo vệ chủ quyền của nước ta tại Biển Đông hiện nay.
Còn nhớ trước đây, khi đảm nhiệm cương vị là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông được phân công phụ trách các Khối: Nhà trường, Khối Khoa học quân sự (đồng thời phụ trách Công nghiệp Quốc phòng Tổng Cục kỹ thuật), Đối ngoại quốc phòng Việt Nam (phụ trách Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), Ủy Ban ứng phó sự cố, thiên tai và Phó Chủ tịch thường trực Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (với công việc rà phá bom mìn vật nổ, giải quyết vấn đề Dioxin và Mia). Trong thời gian này, ông đã viết 7 công trình khoa học về quân sự và đối ngoại, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước để nâng quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với Liên Bang Nga, trong đó:
Bộ sách về nghệ thuật quân sự, gồm cả cuốn: “Một thời Quảng Trị”, “Một số vấn đề về nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, “Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam”. Bộ sách này là những tổng hợp kinh nghiệm thực tế, đúc rút những tinh túy trong kiến thức về chiến tranh Việt Nam, được Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chắt lọc, nâng lên thành học thuyết, cống hiến cho nền lý luận về nghệ thuật chiến tranh của đất nước ta.
Và 4 cuốn về môi trường và kỹ năng: “Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga: Mô hình mới về hợp tác khoa học công nghệ”, “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh”, “Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai”, “Quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường”.
Với 7 công trình Khoa học quân sự có giá trị, ông vinh dự được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên Bang Nga bầu và trao bằng Viện sĩ về nghệ thuật chiến tranh. Đặc biệt, trong 7 năm làm thường trực Ủy Ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phó Ban phòng chống lụt bão Trung ương, từ thực tiễn chiến tranh và thiên tai, tướng Hiệu đã đề xuất nên phương châm 4 tại chỗ kinh điển:
Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật chất tại chỗ; Hậu cần tại chỗ. Phương châm “4 tại chỗ” đã được vận dụng hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, thậm chí vừa qua, trong đại dịch Covid-19, phương châm này cũng đã được vận dụng để phòng chống dịch thành công.
Sau năm 2011, tướng Hiệu nghỉ hưu theo chế độ. Tuy nhiên, với cương vị là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên Bang Nga, ông tiếp tục làm việc, nghiên cứu cống hiến cho khoa học quân sự, môi trường và nhân đạo. Hành trình tri ân của tướng Hiệu dọc dài đất nước, từ Bắc vào Nam, đi đến đâu, ông gặp gỡ đồng đội, đồng chí, đồng bào, sẻ chia ngọt bùi, tặng quà và ôn lại những kỷ niệm chiến đấu, những bài học quý giá cho cuộc sống hôm nay. Trong các chuyến đi, sức lan tỏa từ hành động ân tình của ông, đã thu hút thêm nhiều người cùng chung tay làm việc nghĩa, đáp đền tiếp nối những người đã hy sinh tính mạng, xương máu cho cuộc sống hòa bình của chúng ta hôm nay. Tướng Hiệu đã trực tiếp viết và xuất bản 9 cuốn sách, trong đó, cuốn thứ 10 được ông đang thực hiện là “Một số vấn đề nghiên cứu về Quốc phòng Việt Nam”.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, có thể nói Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu rất có duyên với văn học nghệ thuật và rất quý trọng, gắn bó với các văn nghệ sỹ. Nhiều nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sỹ tìm thấy ở ông những nét tương đồng cho nhân vật mà họ đang tìm kiếm trong tác phẩm của mình. Có thể kể đến nhiều tác phẩm lấy nguyên mẫu từ người lính Nguyễn Huy Hiệu đã gây được tiếng vang như vở kịch “Đại đội trưởng của tôi” của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm; ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư”, “con suối La La” của nhạc sỹ Huy Thục; tập truyện ký “Bến sông tuổi thơ” của nhà văn Lê Hoài Nam; các tập bút ký văn học, báo chí “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, “Vị tướng với tấm lòng tri ân”....
Đặc biệt, trong thời gian qua, các đồng đội là nhà văn, nhà báo, các bạn hữu nghề viết qua tư liệu cuộc đời tướng Hiệu cũng đã viết và xuất bản 9 cuốn sách về ông, tiêu biểu như: “Vị tướng với mùa thu vàng”, “Vị tướng Thành Nam”, “Vị tướng 9 năm ở nhà con Rồng”, “Vị tướng với an ninh môi trường”, “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, “Vị tướng có duyên với con số 7”... Hậu phương vững chắc của vị tướng “Đằng sau người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ”. Thật vậy, sự thành công trong sự nghiệp của ông luôn có sự hỗ trợ hết mình và không mệt mỏi từ người bạn đời Lại Thị Xuân – TTƯT, Bác sĩ Bệnh viện E. Ngược dòng thời gian, ông và bà cùng quê hương Hải Hậu - Nam Định, năm 1973 khi đang là sinh viên du học ở Ô-đét-xa, bà được nghỉ hè về thăm quê còn ông từ chiến trường Quảng Trị ra Hà Nội tranh thủ về thăm nhà. Được sự vun đắp của anh chị em trong gia đình và bạn bè mối lương duyên của ông bà đã nảy nở từ đây...
Người lính trẻ Nguyễn Huy Hiệu đã chinh phục cô sinh viên Y khoa năm thứ 5 đang du học ở Ô-đét-xa (Liên Xô) bằng một bức thư đầu tiên. Khi nhận được thư, bà đã rung động vì thư ông viết với tình cảm rất thật. Cứ thế, tình yêu của ông và bà gửi nỗi nhung, yêu thương theo những cánh thư. Bà kết thúc khóa học trở về Tổ quốc cũng là khi ông hoàn thành nhiệm vụ người lính trở về khi đã giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất và cái kết đẹp cho mối tình đó là ông bà đã tổ chức đám cưới vào ngày 16 tháng 8 năm 1976 trong sự chung vui của hai họ, bạn bè và đồng đội. Trải qua 45 năm chung sống, dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng ông và bà luôn bên nhau. Ông bà sinh được 2 người con (một gái, một trai) đều đã tốt nghiệp Thạc sĩ ở nước ngoài, hiện nay con trai đang nối nghiệp ông trên con đường cống hiến phát triển đất nước. Các con của ông bà đều đã có gia đình, có dâu hiền, rể thảo và 4 cháu nội ngoại chăm ngoan. Nói về bà, ông không giấu được sự xúc động: “Những thành quả của tôi hôm nay có một nửa là công của bà ấy”.
Thực tình, tôi không dám tham vọng kể đầy đủ về ông trong một bài viết ngắn này, bởi vì biết rằng có kể cũng không thể đầy đủ được trong một vài trang viết. Nhìn lại một chặng đường thật dài mà Thượng tướng - Viện sĩ - Anh hùng LLVT Nguyễn Huy Hiệu đã đi qua với biết bao gian nan và cả những thành quả đạt được, cùng với đó là cả những dự định mà ông đang ấp ủ, người ta mới hiểu được hết tấm lòng mà ông dành cho quê hương, đất nước. Ông mãi mãi là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Xin kính chúc ông luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, sáng tạo và tiếp tục cống hiến trí tuệ cho khoa học quân sự, cho phát triển kinh tế đất nước, cho tình hữu nghị Việt - Nga và cho nhân loại yêu hòa bình!